Kiến Trúc nhà nhỏ Kiến trúc nhà nhỏ

Công trình xanh: cần khuyến khích và hỗ trợ

0 comments


[Xây nhà nhỏ] - Muốn triển khai xây dựng xanh thì cần phải có những chính sách phù hợp cho loại hình này vì không phải kỹ thuật, công nghệ mới mà giá thành cũng không phải thấp.



Lĩnh vực xây dựng có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng của bản thân các công trình. Đó là đúc kết được các chuyên gia xây dựng chỉ ra trong cuộc hội thảo mới diễn ra tuần qua tại TPHCM. 


Kiến thức ít, chi phí nhiều

Công trình xanh, hoặc kiến trúc xanh tựu trung là một trong các giải pháp nhằm làm giảm thiểu phát thải nhà kính vốn là nhân tố khiến trái đất ngày một nóng dần lên, kéo theo biết bao hệ lụy đáng gờm từ BĐKH.
Tác dụng của những công trình kiến trúc xanh đã rõ: tiết kiệm nhiên liệu - năng lượng sử dụng; môi trường nơi cư trú và làm việc sẽ giảm thiểu bụi bặm và các hóa chất độc hại, đồng nghĩa giúp giảm chi phí y tế… Thế nhưng thật đáng tiếc khi trong thực tế tại Việt Nam, mô hình công trình kiến trúc xanh vẫn chưa gặp thời. Các chuyên gia chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân khiến cho công trình xanh vẫn còn là “thiểu số” tại Việt Nam, đó là do sự thiếu vắng, ít ỏi thậm chí vắng mặt hoàn toàn các tài liệu về công trình xanh. Số lượng sách báo cung cấp kiến thức chuyên môn bị hạn chế như thế đã khiến cho kiến trúc xanh chưa được phổ cập trong nước.

Đã thế, ngay cả những tài liệu kiến trúc xanh xuất hiện hiếm hoi không phải lúc nào cũng phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Bởi vì hầu hết các tài liệu về công trình - kiến trúc xanh đều có xuất xứ từ châu Âu hoặc Bắc Mỹ tức là những nơi chủ yếu các nhà thiết kế, tham mưu lo tập trung, ưu tiên “chống lạnh”, trái ngược với điều kiện địa lý tại Việt Nam là ưu tiên “chống nóng” và “thoát ẩm”!

Vướng mắc tiếp theo chính là vấn đề chi phí. Bởi vì các công trình - kiến trúc xanh nếu có nhược điểm nào thì đó chính là vấn đề kinh phí đầu tư ban đầu nhiều hơn hẳn so với các công trình - kiến trúc thường. Một chuyên gia thuộc Sở Xây dựng TPHCM khẳng định rằng, điều hiển nhiên không thể chối bỏ, đó là vật liệu xây dựng dùng trong mô hình kiến trúc xanh do phải đáp ứng được một số yêu cầu đặc biệt, nên thường có giá thành ban đầu cao hơn hẳn vật liệu xây dựng bình thường. Chẳng hạn một công trình cao ốc sử dụng cảm ứng để điều chỉnh ánh sáng đèn thích hợp thì đầu tư sẽ khác; tương tự sẽ tốn kém hơn nếu làm tường 2 lớp nhằm đạt mục đích ổn định và cách nhiệt tức giảm bức xạ nhiệt, chống nóng.

Tại Việt Nam, ngay từ cách đây 5 năm Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sau đó, Bộ Xây dựng cũng đã đề ra nhiều tiêu chuẩn như hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả cho nhà ở cao tầng, nhà văn phòng… Chỉ có điều đến nay chưa có một chế tài cụ thể nào cho việc khuyến khích các công trình xây dựng theo mô hình kiến trúc xanh.

Hệ lụy của tất cả những điều nêu trên chính là một bản tổng kết làm buồn lòng những ai quan tâm đến thích ứng BĐKH: Các nhà đầu tư vì suất đầu tư ban đầu cao nên tỏ ra “hờ hững”, “lạnh nhạt”; các nhà quản lý xây dựng và chính quyền đô thị chưa khuyến khích, quảng bá một cách thiết thực, đủ tầm. Cho nên chẳng lạ khi trong thực tế, các công trình gọi là “nhà ở thông minh”, “công trình tiết kiệm năng lượng”… vẫn chỉ xuất hiện lẻ tẻ, tự phát dưới dạng một dự án đơn lẻ, chứ chưa thực sự trở thành khuynh hướng xây dựng tất yếu.

Đi tìm giải pháp

Trong một cuộc hội thảo chuyên đề về công trình xanh được tổ chức tại Việt Nam hồi cuối năm ngoái, chuyên gia Darren O’Dea – đại diện Hội đồng công trình xanh Việt Nam đã khuyến cáo việc xây dựng công trình xanh phải phù hợp với khí hậu, văn hóa và tầm phát triển của bản thân ngành xây dựng trong nước. Điều này cũng có nghĩa Việt Nam phải biết linh động vận dụng từ các sách vở, mô hình nước ngoài. Chuyên gia Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển đô thị, thuộc Sở Xây dựng TPHCM cụ thể hơn khi nói rằng cần biết cải tiến một cách phù hợp các giải pháp xanh của thế giới cho các công trình ở trong nước và đáng chú ý là những điều chỉnh thích nghi này thật đa dạng trong đời thường: như chiêu “lõi sinh học” của tòa nhà, mái xanh, ống dẫn ánh sáng, che nắng, sử dụng năng lượng pin mặt trời, tuabin gió, bể thu hồi nước mưa, xử lý và sử dụng nước thải, bề mặt thấm nước, “vườn ướt”, “hồ sinh thái”…

Ở tầm vi mô doanh nghiệp, thực ra cũng đã và đang có những đơn vị tự “diễn biến” theo chiều hướng đạt chuẩn công trình xanh với cách làm đơn giản, bất ngờ và đầy hiệu quả. Mô hình đang được áp dụng tại siêu thị BigC là một dẫn chứng.

Một giới chức hệ thống siêu thị BigC bật mí “chiêu” tiết kiệm năng lượng giản đơn sau: Để làm mát trong khuôn viên siêu thị khi mở cửa đón khách vào ban ngày, thay vì sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ vốn ngốn rất nhiều điện năng, BigC làm mát toàn bộ siêu thị bằng… đá. Toàn bộ lượng đá này được BigC sản xuất tại chỗ vào ban đêm, thời điểm khi mà nhiệt độ ngoài trời đã hạ và giá điện rẻ hơn ban ngày. Chỉ khi nào lượng đá cục đã sử dụng hết, siêu thị mới vận hành hệ thống làm mát bằng máy điều hòa. Kết quả là chi phí trả cho sử dụng điện năng làm mát hệ thống siêu thị BigC giảm rõ rệt, còn sâu xa hơn, khi điều hòa nhiệt độ giảm bớt liều lượng sử dụng, cũng đồng nghĩa giảm bớt tác nhân gây ra hiệu ứng nhà kính.

Huy Khánh - Ảnh: Cao Thăng
Chia sẻ cho bạn :